Nhận định Nguyễn_Văn_Hiếu_(trung_tướng)

Báo cáo đánh giá tháng 5 năm 1958 của các cố vấn Mỹ tại Quân khu I:

Ông là một người có tiềm năng lên tới bậc cao nhất trong Quân đội Việt Nam. Ông đáng được gửi sang học một trường bên Mỹ càng sớm càng tốt, đặc biệt là Ft. Leavenworth. Ông đáng được bổ nhiệm vào các công việc chỉ huy chiến trường để có thêm kinh nghiệm chỉ huy. Sĩ quan này, nếu được sử dụng và khai triển đúng mức, rất có thể trở nên một tướng lãnh tài giỏi tương lai nếu không là xuất chúng trong Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Thái độ của ông đối với Hoa Kỳ rất mạnh, và khả năng thông thạo ngoại ngữ rất quan yếu cho các cuộc hành quân liên hợp của Đồng Minh.[5]

Đại tá John Hayes, Cố vấn trưởng Mỹ tại Sư đoàn 5 Bộ binh đánh giá ngày 7 tháng 2 năm 1970:

Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu, NNC 1-11-67, 20 năm quân ngũ, tướng Hiếu là một Tư lệnh trên trung bình. Các điểm tốt gồm có nhiệt tâm, kinh nghiệm lãnh đạo tác chiến, khả năng thôi thúc và duy trì tinh thần binh sĩ, và khả năng chế ngự thuộc cấp. Ông rất sùng đạo và ái quốc, và đòi hỏi tiêu chuẩn hạnh kiểm và kỷ luật cao. Ông cẩn trọng mực thước nhưng khi lấy quyết định thì sắc bén. Ông được đánh giá cao hơn mức trung bình của một Tư lệnh Sư đoàn Mỹ trong cung cách hành sự toàn diện của ông. [22]

Tờ trình tháng 11 năm 1974 của Sứ Quán Mỹ:

Vào tháng 2 năm 1972, Trung tướng Đôn lúc bấy giờ là Phó Thủ tướng, nói với Lãnh sự tại Đà Nẵng, tướng Hiếu là một trong số tướng lãnh tài năng nhất của Quân lực Việt Nam Cộng hòa và là một " vị tướng thanh liêm nhất trong quân đội hiện nay". Đức tính này được thường xuyên xác nhận và tuyên dương trong giới sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Tướng Đôn nói thêm là ông sẽ lựa chọn tướng Hiếu trên hết bất cứ một tướng lãnh nào ông quen biết. [5]

Thái độ đối với giới chức Mỹ

Cách chung tuy tướng Hiếu tỏ vẻ "thân thiện và dễ cộng tác... với các giới chức Mỹ tại Vùng 3 Chiến thuật, ông giữ một khoảng cách và kín đáo."[5].

Đối với các cố vấn quân sự Mỹ "ông chứng tỏ sẵn sàng tiếp nhận những ý kiến thiết thực. Không thể nhấn mạnh cho đủ ông là một vị tướng dũng mãnh, và ông chỉ đem ra ứng dụng những ý kiến khả dĩ đem tới cải tiến hiệu năng tác chiến cho Sư đoàn".[22] Ông chống đối chính sách Việt Nam hoá chiến tranh của chính phủ Hoa kỳ và áp lực của giới Cố vấn Mỹ tại Quân đoàn III muốn các đơn vị của Sư đoàn 5 phải hành quân diệt địch khi chưa được huấn luyện chiến đấu hoàn hảo. Ông dám trình bày "quan điểm đối nghịch, phát biểu tự do và công khai" khiến một vài sĩ quan Cố vấn Mỹ lấy làm phật ý và khó chịu, nỗ lực gây áp lực đòi cách chức Tư lệnh Sư đoàn 5. Họ thành công với sự toa rập của tướng Nguyễn Văn Minh, người kế vị tướng Đỗ Cao Trí trong chức vụ Tư lệnh Quân đoàn III. "Việc cách chức tướng Hiếu, theo như một viên chức Sứ Quán tường trình ngày 17 tháng 6 năm 1971, là một tin động trời, trước hết vì tướng Hiếu nổi danh là một nhân vật liêm chính và vì lòng thương lính mãnh liệt của ông." [5]

Tính cách

Một điểm nổi bật trong cá tính của tướng Hiếu là trực tính. Ông không ngại tỏ thái độ phản đối chống lại giới chức nắm quyền lạm quyền hay sai quấy, thậm chí có những lần ông đã chống lệnh của thượng cấp.

  • Đối với Tổng thống Diệm:

Tướng Hiếu nói với một viên chức cao cấp Mỹ tại vùng 3 Chiến thuật là ông bị từ chối không được lên lon trong một thời kỳ lâu dài vì ông nghĩ là một sĩ quan quân sự không nên gia nhập Đảng Cần Lao của Tổng thống Diệm tuy là ông đã bị thôi thúc gia nhập. Đây có lẽ giải thích ông đã bị qua mặt nhiều lần đi tu nghiệp tại Leavenworth.[5]

  • Đối với tướng Peers, Tư lệnh First Field Force Vietnam:

Để bảo vệ chủ quyền chỉ huy của Quân đội VNCH, Thiếu tướng Hiếu đã có lần chống đối Trung tướng Hoa kỳ làm Tư lệnh Lực lượng 1 dã chiến tại Nha trang ra lệnh Sư đoàn 22 bộ binh đặt một Trung đoàn bộ binh do một Đại tá chỉ huy dưới quyền điều động của một Đại úy Quận trưởng trong kế hoạch yểm trợ bình định phát triển. Việc này đã gây tranh luận rất phức tạp, khiến Trung tướng Lữ Lan, Tư lệnh Quân đoàn II phải giải hòa giữa đôi bên.[23]

  • Đối với Tướng Abrams, Tư lệnh MACV:

Sư đoàn 22 Quân lực Việt Nam Cộng hòa không nhìn được sự thể như vậy. Sư đoàn chưa phải là một Sư đoàn thiện chiến, xuất trận với cấp Trung đoàn và Tiểu đoàn và vân vân! Và chính điều đó cần thiết phải được thực hiện tại Bình Định! Và đó chính là điều Sư đoàn 22 không nhìn thấy! Và đó chính là điều Tư lệnh Sư đoàn tự thâm tâm không sẵn lòng chịu làm! [24]

  • Đối với tướng Đỗ Cao Trí, Tư lệnh Quân đoàn III:

Tướng Trí, tuy nhận biết là tướng Hiếu không hoàn toàn ưng thuận các cuộc hành quân vượt biên và đặc biệt các cuộc hành quân đòi hỏi Sư đoàn 5 hành quân tại Snoul, trong vùng Căm Bốt, không cách chức Tướng Hiếu ngay.[5]

  • Đối với giới chức Cố vấn Mỹ Quân đoàn III:

Viên Phó Cố vấn Trưởng Quân đoàn III, một Chuẩn tướng, nói: "Thái độ yếm thế của Tướng Hiếu và quan điểm đối nghịch, phát biểu tự do và công khai, đã tô điểm các thái độ của nhiều vị chỉ huy trưởng trực thuộc của ông và khiến họ ít hưởng ứng các nỗ lực tiến hành chương trình Đồng Tiến này. Hy vọng là thời gian, với cơ may chiến dịch Cambodia cống hiến, và với ý thức tăng trưởng là Sư đoàn 5 có thể thi hành sứ mạng mới và nới rộng, sẽ biến cải viễn quan của tướng Hiếu. Nếu không, ông phải bị cách chức khỏi quyền Tư lệnh."[5]

  • Đối với tướng Nguyễn Văn Vỹ, Tổng trưởng Bộ Quốc phòng:

Tướng Hiếu thực hiện được một cuộc điều tra thành công trong vụ Quỹ Tiết kiệm Quân đội (QTKQĐ). Ngày 14 tháng 7 năm 1972, tướng Hiếu xuất hiện trên màn truyền hình và tường trình kết quả của cuộc điều tra vào các sinh hoạt tài chánh của Quỹ Tiết kiệm Quân đội. Ông nêu tên Tổng trưởng Quốc phòng, Trung tướng Nguyễn Văn Vỹ và Trung tướng hồi hưu Lê Văn Kim như là những người can dự vào các sinh hoạt tài chánh bất chính. Tướng Vỹ bị Tổng thống Thiệu sa thải.[5]

  • Đối với tướng Trần Thiện Khiêm, Thủ tướng:

Vào tháng 5 năm 1972, Tướng Hiếu nói với các viên chức Sứ Quán là chiến dịch chống tham nhũng không đi tới đâu và các Bộ trưởng trong Nội các và Thủ tướng không cộng tác với ông.[5]

  • Đối với tướng Nguyễn Văn Minh:

Tướng Hiếu chú thích với viên chức sứ quán Đại tá Mạch Văn Trường từng là một cựu cộng tác viên của Trung tướng Nguyễn Văn Minh, Tư lệnh Quân đoàn III, và tướng Hiếu xác tín là tướng Minh đã bổ nhiệm Đại tá Trường vào chức vụ Tỉnh trưởng (Long Khánh) một phần để nắm lấy trong tay thương vụ lâm sản đem lại nhiều lợi tức trong tỉnh Long Khánh. Tướng Hiếu đang đề nghị đưa vụ này ra điều tra nhưng lưu ý là còn tùy thuộc Tổng thống Thiệu và kết quả của các cuộc gặp gỡ giữa Thiệu và Trung tướng Minh.[25]

  • Đối với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và tướng Đặng Văn Quang:

Liên quan đến bản chất của đạo luật mới, tướng Hiếu chú thích là đạo luật không xử lý một chướng ngại căn bản phương hại đến sự hữu hiệu của hành động chống tham nhũng: sự bao che kẻ gian của các người có quyền thế. Tướng Hiếu nêu lên một vị dụ của một Dân biểu rõ ràng có những hành vi tham nhũng. Tướng Hiếu nói ông trình hồ sơ này lên Phó Tổng thống Hương. Phó Tổng thống ghi nhận là dân biểu này là thành viên của khối thân Chính phủ và ngày hôm trước đã dùng cơm với Tổng thống. Phó Tổng thống Hương khuyến cáo không nên đeo đuổi vụ này. Một ví dụ khác, tướng Hiếu nói, là Đại tá Cảnh sát Phạm Kim Quy, Chỉ huy trưởng khối Tư Pháp, Cảnh sát Quốc gia. Theo tướng Hiếu, tham nhũng to lớn trong sở di trú Cảnh sát Quốc gia, một nhánh của khối Tư pháp, được truy lùng thẳng tới Đại tá Quy, là người thân cận với Phụ tá Tổng thống Đặng Văn Quang. Phó Tổng thống cũng tỏ vẻ ái ngại không muốn đeo đuổi vụ này, tướng Hiếu tuyên bố.[26]

Những nghi vấn về cái chết

Chiều ngày 8 tháng 4 năm 1975 có tin loan báo ra từ Bộ Tư lệnh Quân đoàn III ở Biên Hòa là ông đã chết ngay tại trong văn phòng làm việc. Giới quân sự nghi ngay tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn III, vì ông Toàn mang tiếng tham nhũng thuộc loại hạng gộc, trong khi đó ông Hiếu rất thanh liêm và hơn nữa, đã từng giữ chức Đặc trách chống tham nhũng thuộc phủ Phó Tổng thống Trần Văn Hương.[27]Ngày hôm sau, sau khi tham dự buổi họp báo của phát ngôn viên quân sự, thông tấn xã UPI loan tin như sau:

SAIGON (UPI) - Tư lệnh Phó Quân đoàn III, bảo vệ vùng Sài-Gòn được khám phá bị bắn tối thứ ba sau một cuộc cãi vã về chiến thuật với cấp trên của mình. Các nguồn tin quân sự nói là có vẻ ông ta tự vận. Các nguồn tin đó nói Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu chết với một vết thương do một viên đạn gây nên ở miệng tại văn phòng ở Bộ Tư lệnh Quân đoàn III nằm ven biên phi trường quân sự Biên Hòa, cách Sài-Gòn 18 dặm. Không biết sự kiện tướng Hiếu chết có liên quan gì với vụ oanh tạc Dinh Độc Lập của ông Nguyễn Văn Thiệu xảy ra sáng thứ ba cùng ngày không?[28]